Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Gặp mặt Hội viên Thường niên 2025. Hội nghị đã thống nhất phương hướng hoạt động năm 2025 - 2026, trọng tâm là tăng cường phản biện xã hội, tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Bộ Xây dựng các giải pháp phát triển thị trường bất động sản.
Tại Hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế chia sẻ: Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường địa ốc đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đang từng bước phục hồi, song tốc độ còn chậm.
Chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản đang dần hồi phục nhưng tốc độ còn chậm. Ảnh: VNREA
Vị chuyên gia này cho biết, dư nợ cho vay bất động sản đến cuối năm 2024 ước đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng cho hoạt động kinh doanh BĐS tăng 18%, còn tín dụng cho nhà ở tăng khoảng 6,5%, đưa tổng mức tăng tín dụng BĐS lên khoảng 12%.
Năm 2024 ghi nhận 4.580 doanh nghiệp địa ốc thành lập mới, giảm 2,7% so với cùng kỳ, trong khi tổng vốn đăng ký giảm nhẹ 0,3%. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 42% lên 3.227 doanh nghiệp, song song với đó là 4.225 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 14%.
4 tháng đầu năm 2025, có 1.580 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,1%; số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng 42% lên 1.858 đơn vị. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm nhẹ 1%. Tuy nhiên, vốn đăng ký của doanh nghiệp mới trong giai đoạn này lại sụt giảm 10,8%.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung, góp vốn và mua cổ phần vào lĩnh vực BĐS đạt khoảng 6,3 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng FDI đăng ký vào Việt Nam; vốn giải ngân đạt 1,84 tỷ USD, tương đương 7,2%.
Trong 4 tháng đầu năm nay, FDI đăng ký vào BĐS đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 26,9%), với mức giải ngân đạt 533 triệu USD (chiếm 7,9%).
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ về thị trường bất động sản Việt Nam với chuyên đề “Triển vọng thị trường bất động sản trong kỷ nguyên mới”. Ảnh: VNREA
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2025 ước tính khoảng 173.000 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm khoảng 62.000 tỷ đồng được gia hạn từ các năm trước. Riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng áp đảo với khoảng 93.500 tỷ đồng đáo hạn, tương đương 59% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Tổng lượng phát hành năm 2024 đạt khoảng 442.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp BĐS chiếm gần 20,4% với khoảng 90.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang quý 1/2025, thị trường chưa có doanh nghiệp BĐS nào phát hành trái phiếu mới. Theo chuyên gia, sự phục hồi của thị trường trái phiếu đã tích cực trong năm ngoái nhưng chậm lại vào đầu năm nay.
GDP ngành kinh doanh BĐS tăng 3,34% trong năm 2024, cải thiện hơn so với mức 0,24% của năm 2023 nhưng chưa thực sự đột phá; lĩnh vực xây dựng tăng trưởng 7,87%, cao hơn mức 7,06% của năm trước đó nhưng không quá lớn. Sang quý 1/2025, đà phục hồi tiếp tục được duy trì nhưng chưa thực sự diễn ra mạnh mẽ.
Nguồn cung nhà ở thương mại mới trong quý 1/2025 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024, dù vậy vẫn chỉ bằng 50% so với quý liền trước. Các phân khúc chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền ghi nhận diễn biến khởi sắc khi số lượng giao dịch tăng gấp đôi cùng kỳ, song quy mô giao dịch chỉ bằng một nửa quý 4/2024.
Giá bất động sản Việt Nam tăng gần 60% trong 6 năm
Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn hiện diện. Ông Lực nhấn mạnh: Tình trạng tăng giá bất động sản vẫn tiếp tục tiếp diễn. Giai đoạn 2019 - 2024, giá bất động sản tại Việt Nam đã tăng tới 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (tăng 54%), Australia (49%), Nhật Bản (41%) hay Singapore (37%).
"Với đà tăng giá như hiện tại, công chức bình thường phải mất gần 26 năm mới mua được chung cư. Việt Nam ngày càng tụt hạng về mức độ tiếp cận nhà ở", TS Cấn Văn Lực nói và chỉ ra 6 nguyên nhân chính khiến giá nhà Việt Nam bị đẩy lên cao trong những năm gần đây.
Thứ nhất, các vướng mắc pháp lý kéo dài cùng với tâm lý e ngại trách nhiệm từ phía các cơ quan chức năng khiến quá trình phê duyệt dự án chậm trễ, dẫn đến nguồn cung nhà ở khan hiếm.
Thứ hai, chi phí đầu vào của các dự án BĐS ngày càng tăng. Thứ ba, sự mất cân đối cung cầu thể hiện rõ ở việc nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển phân khúc cao cấp do có biên lợi nhuận cao.
Thứ tư, các tình trạng "thổi giá, làm giá, té nước theo mưa" vẫn còn tồn tại, khiến giá bị đẩy lên mức cao và không phản ánh đúng giá trị thực. Thứ năm, hoạt động đầu cơ vẫn diễn ra phổ biến.
Cuối cùng, việc Việt Nam chưa áp dụng thuế tài sản (thuế sở hữu BĐS), trong khi thuế chuyển nhượng và cho thuê ở mức khá thấp cũng góp phần khiến dòng tiền đổ vào địa ốc dễ dàng hơn, giá bị đẩy lên cao và thị trường phát triển thiếu tính bền vững.