Nhóm cựu cán bộ hợp thức hồ sơ, giúp Lộc Ninh 3 được bán điện giá cao cho EVN như thế nào?

22/04/2025 11:41

Dù nhà máy Lộc Ninh 3 thuộc trường hợp bán điện giá 1.184 đồng/kwh cho EVN nhưng nhóm cựu cán bộ hợp thức hóa hồ sơ, khiến doanh nghiệp này được bán điện với mức cao hơn 489 đồng/kwh, gây thiệt hại 209 tỷ đồng.

Trong vụ án cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, cơ quan tố tụng xác định một số bị cáo là người của Công ty Mua bán điện có vi phạm trong việc ký ban hành ngày vận hành thương mại (COD) cho nhà máy Lộc Ninh 3.

Nhóm này gồm Nguyễn Danh Sơn, cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện và các cấp dưới Trương Hoàng Dũng, nhân viên kỹ thuật; Đỗ Ngọc Tuyền, chuyên viên phòng Kinh doanh điện Nguyễn Hữu Khải, cựu Trưởng phòng kinh doanh điện.

Liên quan sai phạm này còn có trách nhiệm của 2 bị cáo là cựu nhân viên Bộ Công Thương gồm Trần Quốc Hùng cùng Trịnh Văn Đoàn, cựu Phó phòng và chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng.

Nhóm cựu cán bộ hợp thức hồ sơ, giúp Lộc Ninh 3 được bán điện giá cao cho EVN như thế nào?
Bị cáo Trần Quốc Hùng, cựu Phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương.

Hồ sơ thể hiện, có nguồn tin nặc danh tố cáo một số người thuộc Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ENV) có dấu hiệu phạm tội trong việc công nhận ngày vận hành thương mại cho một số dự án điện mặt trời và thành lập công ty sân sau, tạo đường dây làm ăn; đứng ra giao dịch với các chủ đầu tư, nhà thầu…

Điều tra cho thấy, nhà máy Lộc Ninh 3 vốn không thuộc trường hợp được bán điện giá ưu đãi cho EVN. Tuy nhiên, quá trình thẩm định hồ sơ, nhóm bị cáo Nguyễn Danh Sơn, Trần Quốc Hùng lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi ký COD sai quy định cho doanh nghiệp.

Sai phạm trên dẫn tới thay đổi giá bán điện của Lộc Ninh 3 theo hướng cao hơn. Nếu đúng hướng dẫn của Bộ Công Thương, EVN sẽ mua điện từ nhà máy này với mức không vượt quá trần 1.184,90 đồng/kwh. Thực tế, EVN lại chi 1.644 đồng/kWh cho Lộc Ninh 3; cao hơn quy định là 459,1 đồng/kwh.

Theo cơ quan tố tụng, từ tháng 12/2020 đến hết tháng 11/2022, tổng số tiền Công ty Mua bán điện đã trả cho Công ty Lộc Ninh 3 là hơn 749 tỷ đồng. Đối trừ với số chênh lệch đã chi sai (gần 28%), EVN bị thiệt hại hơn 209 tỷ đồng.

Nhóm cựu cán bộ hợp thức hồ sơ, giúp Lộc Ninh 3 được bán điện giá cao cho EVN như thế nào?
Các bị cáo tại tòa, sáng 21/4.

Để xảy ra sai phạm trên có trách nhiệm của các bị cáo Trần Quốc Hùng cùng Trịnh Văn Đoàn khi 2 người là lãnh đạo, cán bộ Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng Bộ Công thương; phụ trách kiểm tra, thẩm định, đề xuất với hồ sơ của Lộc Ninh 3.

Tuy nhiên, 2 người này vì “muốn tạo điều kiện không chính đáng cho Công ty Cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3” nên dù biết hồ sơ không đủ điều kiện, sai cả địa chỉ nhưng vẫn đề xuất cấp trên ký duyệt.

Tại tòa, bị cáo Trịnh Văn Đoàn thừa nhận hồ sơ của Lộc Ninh 3 ghi địa điểm nhà máy tại xã Lộc Thạnh nhưng thực tế xây dựng lại thể hiện địa điểm nhà máy tại xã Lộc Tấn (Bình Phước).

Đáng lý ra, bị cáo Đoàn phải tổ chức đi kiểm tra thực tế; phát hiện sai phạm sẽ xem xét, rà soát lại hồ sơ và yêu cầu bổ sung, làm rõ. Tuy nhiên, dù thiếu nội dung kiểm tra thực tế, hồ sơ này vẫn được trình lên cho bị cáo Trần Quốc Hùng.

Bị cáo Hùng thừa nhận khi thẩm định hồ sơ có phát hiện sai lệch về địa điểm nhưng lại bỏ qua do chủ quan. “Bị cáo nghĩ không bao giờ có việc này xảy ra và thực tế cũng chưa bao giờ xảy ra", bị cáo Hùng khai và khẳng định tin tưởng rằng chuyên viên đã thẩm định kỹ; trong giấy phép cũng nêu vị trí nhà máy đúng theo chủ trương và giấy phép của tỉnh.

"Suy nghĩ chủ quan, bị cáo cho rằng đây là lỗi chính tả của hồ sơ vì chưa gặp trường hợp nào như vậy. Vì về lý thuyết, không có dự án nào được xây khi chưa được tỉnh cấp phép", bị cáo Hùng khai.

Ngoài ra, bị cáo Hùng nói có bị lãnh đạo “thúc ép, giục tôi thẩm định hồ sơ”. Cụ thể, ông Nguyễn Ngô Phong, Trưởng phòng cấp phép, đã nhắn tin trên nhóm Zalo chung của phòng và nhắn tin riêng cho bị cáo Hùng nội dung: "Hôm nay nếu hồ sơ nào cần trình, anh ký trình luôn nhé".

"Bị cáo muốn giải quyết công việc vì tuần sau nghỉ phép. Thấy bị thúc giục, bị cáo vẫn ký dù biết hồ sơ có sai lệch", bị cáo Hùng khai. Vị này thừa nhận thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định là 15 ngày nhưng đã ký duyệt cho Lộc Ninh 3 “ngay trong buổi sáng”.

Với cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, cơ quan tố tụng cáo buộc vị này và đồng phạm xây dựng dự thảo để Chính phủ ban hành Quyết định 13/2020. Quyết định này có nội dung mở rộng đối tượng được bán điện ưu đãi cho EVN dù trái với Nghị quyết 115 của Chính phủ.

Qua đây, các nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận gồm nhà máy Thuận Nam và Solar Nhơn Hải được bán điện với giá ưu đãi (cao hơn trần) cho ENV, gây thiệt hại hơn 1.043 tỷ đồng. Tại tòa, ông Vượng thừa nhận các sai phạm của mình, cho hay đã nộp 1,5 tỷ đồng góp phần khắc phục hậu quả vụ án.