Trước giờ thuế đối ứng 46% hiệu lực: Miễn, gia hạn 199.000 tỷ tiền thuế cho DN

08/04/2025 17:54

Trước việc doanh nghiệp có nguy cơ thiệt hại bởi chính sách thuế quan, qua đó ảnh hưởng đến thu ngân sách, cơ quan thuế đã chủ động ứng phó nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền thuế miễn, gia hạn khoảng 199.000 tỷ đồng.

Nguy cơ ảnh hưởng đến thu ngân sách

Chia sẻ tại toạ đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” ngày 8/4, ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục thuế, cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam vào Mỹ là 119,5 tỷ USD, trong đó có 10 mặt hàng chủ lực chiếm trên 98 tỷ USD, tương đương hơn 82%. Số thu thuế nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ của 10 nhóm hàng là khoảng 77.200 tỷ, chiếm 3,8% tổng thu ngân sách và chiếm 4% tổng thu nội địa.

Các nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ chính sách này gồm có sản xuất điện tử, dệt may, da giầy, nông sản, thuỷ hải sản, máy móc thiết bị… và việc này tác động đến từng ngành, địa phương và khu vực kinh tế.

Sản xuất điện tử ảnh hưởng đến các địa phương như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Sản xuất máy móc, thiết bị ảnh hưởng đến các tỉnh lớn như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương. Kinh doanh thủy hải sản ảnh hưởng lớn đến khu vực Tây Nam Bộ.

Nông sản bị ảnh hưởng đến các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc. Dệt may bị ảnh hưởng các địa phương như Nam Định, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai.

“Tác động này nguy cơ gây ra mất cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn các tỉnh thành”, ông Sơn nói thêm.

Trước giờ thuế đối ứng 46% hiệu lực: Miễn, gia hạn 199.000 tỷ tiền thuế cho DN
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính)

Bên cạnh tác động đến các địa phương, ông Sơn đánh giá doanh nghiệp FDI và nhóm công ty phụ trợ chịu tác động lớn hơn doanh nghiệp trong nước. Có trường hợp doanh nghiệp đã đưa hàng hoá ra cảng để xuất khẩu, nộp tờ khai rồi mà phải hủy bỏ vì chính sách mới.

Ngoài ra, việc này khiến tỷ giá USD chịu tác động rất lớn, VNĐ mất giá, làm gia tăng chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá.

Hỗ trợ miễn và gia hạn hơn 199.000 tỷ tiền thuế

Trên cơ sở đánh giá các tác động nêu trên, ông Mai Sơn thông tin, cơ quan thuế đang triển khai các giải pháp áp dụng với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.

Mới đây nhất, chính phủ ban hành Nghị định 73 ngày 31/3, giảm thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng của đối tác thương mại lớn, trong đó có Mỹ. Có 23 dòng thuế giảm, nhiều dòng thuế giảm về 0% với 16 nhóm mặt hàng nhập về Việt Nam như ô tô, sản phẩm nông nghiệp, than, gỗ, khí hoá lỏng LNG…

Đây là bước thiện chí lớn ngay từ đầu của chính phủ Việt Nam nỗ lực cân bằng cán cân thương mại 2 nước, khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng chia sẻ lợi ích, giúp các DN Việt Nam tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục thuế chia sẻ còn nhiều chính sách thuế khác, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị định 81 được Chính phủ ban hành về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kỳ tính thuế từ tháng 2 đến tháng 6. Tiền thuế này được gia hạn năm nay ước tính khoảng 14.100 tỷ đồng.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 82 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025.

Đối tượng được gia hạn thuế gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt, khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên, dịch vụ lưu trú ăn uống…và các DN nhỏ và siêu nhỏ theo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa... Tổng số thuế gia hạn 102.000 tỷ đồng.

Trước giờ thuế đối ứng 46% hiệu lực: Miễn, gia hạn 199.000 tỷ tiền thuế cho DN
199.000 tỷ đồng tiền thuế được miễn và gia hạn trong năm 2025

Nghị quyết số 60 năm 2024 tiếp tục áp dụng 2025 đối với thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn dự kiến con số hỗ trợ là khoảng 44.000 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, từ năm 2021 đến nay, tính trong cả năm 2025, ước tính khoảng 900.000 tỷ đồng Chính phủ, Quốc hội thông qua miễn giảm các sắc thuế hỗ trợ DN. Riêng trong 2025, con số ước tính hỗ trợ 199.000 tỷ đồng, bao gồm cả miễn và gia hạn.

Để ứng phó với quyết định từ phía Mỹ, ông Sơn cho biết, đối với DN FDI tăng cường thanh tra, kiểm tra các DN về các vấn đề “chuyển giá”, thể hiện sự minh bạch về thuế, tránh hiện tượng lẩn tránh thuế. Tăng cường kiểm soát hoàn thuế của các doanh nghiệp gia công lắp ráp đơn giản sau đó xuất khẩu.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về các giao dịch thương mại quốc tế và có cơ chế chia sẻ thông tin với cơ quan thuế Mỹ. Điều này sẽ giúp tăng cường minh bạch trong hoạt động thương mại song phương, đồng thời tạo cơ sở để hai bên có thể phối hợp hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia.

Cùng với đó, đẩy nhanh giải quyết vướng mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, có giá trị chế biến sâu, giá trị gia tăng lớn nhằm khơi thông dòng tiền lưu động của các doanh nghiệp, khuyến khích mở rộng đầu tư sản xuất và xuất khẩu.

Ngoài ra, hiện Cục thuế đang nghiên cứu sửa đổi Luật thuế TNDN, tham gia đề án về phát triển kinh tế tư nhân được Trung ương giao.

“Chúng tôi nghiên cứu đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ cho nhóm hộ kinh doanh cá nhân chuyển lên DN, tập trung vào 2 mảng lớn là thể chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính”, lãnh đạo Cục thuế khẳng định.