Thị trường hàng hóa thế giới dần thích nghi với chính sách thuế quan mới

21/04/2025 16:33

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết trong tuần giao dịch từ 14-20/4, sau giai đoạn lao dốc mạnh, giá nhiều mặt hàng nhóm năng lượng, nguyên liệu công nghiệp đã bật tăng mạnh, nhất là hai mặt hàng dầu thô, dầu ít lưu huỳnh, xăng RBOB và cà phê. Chốt tuần, chỉ số MXV-Index tăng 0,42% lên mức 2.177 điểm.

Tuần này, nếu không có diễn biến bất ngờ, thị trường hàng hóa nguyên liệu hàng hóa được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi, chỉ số giá vượt lên vùng 2.200 điểm.

Thị trường hàng hóa thế giới dần thích nghi với chính sách thuế quan mới

Giá dầu thô tăng vọt 5% trong tuần qua

Theo ghi nhận của MXV, thị trường năng lượng tiếp tục gây chú ý khi dẫn dắt đà tăng của toàn thị trường. Giá của 4/5 mặt hàng đồng loạt tăng mạnh từ 4-6% so với tuần trước. Trong đó, hai mặt hàng dầu thô cùng tăng khoảng 5% trong bối cảnh thị trường dần thích ứng với các chính sách thuế quan mới của Mỹ và những lo ngại về nguồn cung từ cuối tháng 3 đã quay trở lại.

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu 18/4, hai sàn giao dịch NYMEX và ICE EU nghỉ lễ, do đó giá hai mặt hàng dầu Brent và WTI dừng lại ở mức lần lượt là 67,96 USD/thùng và 64,68 USD/thùng khi đóng cửa ngày thứ Năm (17/4). Đây cũng là phiên giao dịch có mức tăng giá mạnh nhất trong tuần sau cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Nhà Trắng. Những phát biểu lạc quan đến từ cả hai vị nguyên thủ quốc gia về khả năng tiến tới một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã hâm nóng lại thị trường.

Bên cạnh đó, nỗi lo lắng về nguồn cung dầu đã quay trở lại khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô Iran và Venezuela; OPEC+ thì công bố bản kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Thị trường hàng hóa thế giới dần thích nghi với chính sách thuế quan mới

Giá cà phê đảo chiều đi lên sau 3 tuần giảm liên tiếp

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá hai mặt hàng cà phê đảo chiều tăng sau ba tuần giảm liên tiếp. Đóng cửa phiên thứ Năm, giá cà phê Arabica lên mức 8.278 USD/tấn, tăng 4,98% so với giá tham chiếu; giá cà phê Robusta tăng 3,02% so với giá tuần trước, hồi phục tại mức giá 5.253 USD/tấn. Thị trường cà phê tạm nghỉ giao dịch ngày thứ Sáu để chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh.

Theo ghi nhận của MXV, sau thời gian bị tác động bởi thuế quan, giá hai mặt hàng cà phê đã hồi phục lại đáng kể do của các thông tin cơ bản. Theo Cecafe, xuất khẩu cà phê Conillion (Robusta) tháng 3 tiếp tục suy giảm kể từ tháng 8 năm ngoái, chỉ bằng 61% so với tháng 2 và giảm hơn 5 lần so với xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái. Trong tuần, báo cáo NCDT cho thấy cà phê vượt qua nước uống đóng chai, chiếm vị trí số một, là đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ với trung bình 3 cốc mỗi ngày. Ngoài ra, tỷ giá Real/USD tăng 6,1% kể từ đầu năm tới nay làm giảm động lực xuất khẩu cà phê của Brazil.

MXV cho rằng thị trường hợp cà phê hiện đang trong trạng thái đảo ngược (Backwardation), khi giá hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn gần cao hơn giá hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn xa. Chỉ số COT Arabica trên sàn ICE New York cho thấy vị thế ròng (net position) của nhóm Managed money (quỹ đầu cơ) trên thị trường công bố ngày 15/4 tiếp tục giảm 6.841 lô, ở mức 35.243 lô. Trong đó, vị thế mua giảm 8.275 lô so với tuần trước, tiếp tục giảm đến hơn 18%.

Tình hình tồn kho được ghi nhận trên sàn ICE vào ngày 17/4 biến động nhẹ, tồn kho Arabica tăng nhẹ 1,05% ở mức 795.588 bao, tồn kho Robusta gần như không đổi vẫn ở vùng thấp nhất kể từ mức cao nhất đạt được vào ngày 25/3 là 4.414 lô theo số liệu 3 tháng gần đây, ghi nhận tại ngày 17/4 là 4.272 lô.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào sáng nay (21/4), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên dao động trong khoảng 129.000-129.700 đồng/kg, ổn định so với ngày hôm qua nhưng giảm từ 3.500-4.000 đồng/kg so với ngày 17/4.

Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp là giá mặt hàng dầu cọ Malaysia tiếp tục lao dốc tuần thứ 3, đánh mất tới gần 5% so với tuần trước đó. 

Phương Nam (t/h)

Nguồn tin bài: