Người làm báo thời 4.0: “Cần giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao đạo đức nghề nghiệp”
Ngày 24/4/2025, tại Di tích quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đôi nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Thái Nguyên tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhà báo - Vinh quang và trách nhiệm”.
Theo Đại tá Lê Ngọc Long - Chủ tịch LCH Nhà báo, Báo QĐND, địa điểm tổ chức buổi tọa đàm lần này có ý nghĩa to lớn, đây là cơ hội để hội viên nhà báo các cơ quan báo chí có dịp về “Thủ đô gió ngàn”, về nguồn tri ân các thế hệ làm báo cha anh, tiếp bước truyền thống vẻ vang của những thế hệ nhà báo đi trước.
Các đại biểu tham quan khu vực Nhà trưng bày tại Di tích. Ảnh: Trung Hiếu.
Bàn luận về chủ đề báo chí với những thách thức trước sự phát triển của khoa học công nghệ và cạnh tranh thông tin, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho hay: “Xu thế “báo chí, truyền thông công dân” từ sự phát triển của mạng xã hội, với sự tiện ích của các thiết bị thông minh đang là thách thức lớn đối với mỗi cơ quan báo chí và những người làm báo”.
Tại buổi tọa đàm, ông Hải bày tỏ quan điểm rằng, việc xây dựng các chiến lược phát triển nội dung số và đổi mới quản trị tòa soạn không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
“Để trở thành kênh thông tin được lựa chọn, với những sản phẩm báo chí đáng tin cậy và hấp dẫn, tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với mạng xã hội, báo chí phải bảo đảm giá trị thông tin, độ chuẩn xác của thông tin; người làm báo phải có sự nhạy bén, năng động, thường xuyên cập nhật bổ sung các kỹ năng, kỹ thuật làm báo hiện đại, đặc biệt là phải nêu cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội”, ông Hải nhấn mạnh thêm.
Từ thực tiễn của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, vị nhà báo này chia sẻ những giải pháp đã và đang triển khai để thích ứng với thời đại số, như tăng cường đào tạo làm báo đa phương tiện, sản xuất nội dung cho thiết bị di động, đầu tư công nghệ AI trong biên tập, dựng video, tương tác với khán giả và quản lý dữ liệu.
Tuy nhiên, theo ông, dù công nghệ phát triển đến đâu thì yếu tố cốt lõi của báo chí vẫn là nội dung và con người. “Người làm báo cần giữ vững bản lĩnh chính trị, có tư duy nhạy bén, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại”, ông khẳng định.
“Dữ liệu là nền tảng để tạo ra thông tin”: Bài học từ cách làm báo chuyên nghiệp quốc tế
Trình bày tham luận tại buổi tọa đàm, Đại tá Nguyễn Ngọc Hưng - Phó trưởng Phòng Biên tập Thời sự quốc tế, Báo QĐND nhấn mạnh: “Dữ liệu là nền tảng để tạo ra thông tin”. Ông cho rằng, cho dù công nghệ trong làm báo có thay đổi như thế nào, nội dung hay thông tin vẫn là yếu tố quan trọng nhất, có tính quyết định tới uy tín, bản sắc của một cơ quan báo chí khi có thể đáp ứng được nhu cầu về thông tin, giải trí và giáo dục với đối tượng bạn đọc của mình.
Toạ đàm góp phần bồi dưỡng, giáo dục niềm tự hào lòng yêu nghề đối với đội ngũ những người làm báo hiện nay. Ảnh: Trung Hiếu.
Từ kinh nghiệm từng thực tập và khảo sát tại các cơ quan báo chí nước ngoài, ông Hưng chia sẻ mô hình quản lý dữ liệu tập trung, chặt chẽ và hiệu quả – nơi mỗi phóng viên bắt buộc phải nhập tin, ảnh, dữ liệu nhân vật vào hệ thống chung. “Khi phóng viên kết thúc công việc, mọi thông tin liên quan đến nhân vật, nguồn tin đều được lưu lại. Kể cả khi phóng viên chuyển công tác, các thông tin về các chuyên gia cần hỏi trên các lĩnh vực vẫn được lưu lại”, ông nói.
Với cách làm này, dữ liệu được coi là tài sản chung, phục vụ cho việc kiểm chứng, tái sử dụng và phát triển các nội dung báo chí một cách chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian và nâng cao độ tin cậy. “Các tòa soạn nước ngoài có thể nhanh chóng cung cấp thông tin nền, mốc thời gian sự kiện... một cách chính xác. Việc sử dụng lại thông tin do chính báo mình thống kê sẽ làm tăng uy tín của tờ báo, rút ngắn thời gian làm báo và không cần kiểm chứng lại thông tin”, ông Hưng nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rằng một số cơ quan báo chí lớn tại Việt Nam đã bước đầu xây dựng được hệ thống lưu trữ dữ liệu số hiệu quả. Tuy nhiên, ông bày tỏ kỳ vọng việc coi dữ liệu là nền tảng để tạo ra thông tin sẽ trở thành một tư duy phổ biến, chứ không chỉ dừng lại ở một vài đơn vị đi đầu.
“Quản lý tốt dữ liệu và thông tin cũng rất hữu ích với các cơ quan báo chí của nước ta hiện nay khi đa số đã làm theo hướng đa phương tiện. Các thông tin cho loại hình báo chí này có thể được khai thác, xử lý để đăng tải trên các nền tảng khác một cách phù hợp”, ông kết luận.