Kinh tế tư nhân trước cơ hội bứt phá từ Nghị quyết 68

14/05/2025 10:35

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mang đến một cú hích lớn cho khu vực kinh tế này. Nghị quyết không chỉ tác động cải cách về thể chế mà còn ở hành lang pháp lý, tài chính và môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp (DN) từng bước vươn ra toàn cầu.

DN tư nhân dần khẳng định là trụ đỡ mới cho thị trường

Trao đổi với báo chí, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT đánh giá: Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của nhiều DN tư nhân lớn đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp thị trường chứng khoán.

Kinh tế tư nhân trước cơ hội bứt phá từ Nghị quyết 68- Ảnh 1.

Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT - Ảnh: VGP/HT

Theo bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, nhóm ngân hàng tư nhân như Techcombank, Sacombank, SHB hay các cổ phiếu từ Gelex, Thành Công… cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý từ 30% đến trên 100%. Đây là những minh chứng rõ ràng cho thấy vai trò ngày càng lớn của DN tư nhân trong hệ sinh thái kinh tế tài chính Việt Nam.

Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh phân tích: Có sự thay đổi rõ nét về quan điểm chỉ đạo đối với kinh tế tư nhân trong những phát biểu của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ban ngành gần đây. 

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nghị quyết 68 nêu rõ việc mở rộng sự tham gia của DN tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm.

Với việc Chính phủ đang thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hơn 2.200 dự án với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng của các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và xây dựng.

Nghị quyết 68 đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng và định hướng phát triển lâu dài cho khu vực tư nhân. Nghị quyết này sẽ mở đường cho các cải cách thể chế được mong đợi từ lâu như bảo vệ quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa DN Nhà nước và tư nhân, nhất là trong đấu thầu, tiếp cận đất đai, tín dụng, khơi thông các nguồn lực xã hội hoá, đặc biệt trong hạ tầng số, năng lượng, logistics, những lĩnh vực mà khu vực tư nhân đôi khi gặp rào cản bởi thủ tục hành chính.

Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh tâm đắc với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ (SME) lên ít nhất 50 nghìn tỷ đồng, triển khai hạn mức tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, cung cấp ưu đãi thuế 200% cho hoạt động Nghiên cứu Phát triển (R&D) và đào tạo lao động, đồng thời phát triển vốn mạo hiểm trong nước thông qua mô hình Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư (co-investment).

Chính phủ cũng sẽ khởi động chương trình "Vietnam Global Champions" để hỗ trợ 50 DN tiềm năng trong hoạt động tư vấn mua bán sáp nhập (M&A), bảo hiểm rủi ro chính trị và ưu tiên tiếp cận đàm phán thương mại; nâng tỷ lệ nội địa hoá ít nhất 60% đối với ngành điện tử, ô tô, dệt may thông qua các gói ưu đãi thuế linh kiện.

"Nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết 68 có thể giúp xây dựng một hệ sinh thái khu vực tư nhân ba tầng, gồm: Các tập đoàn lớn dẫn dắt; các DN vừa và nhỏ (SME) vệ tinh; các startup đổi mới sáng tạo, từ đó định vị khu vực này trở thành trụ cột trung tâm của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045", bà Cao Thị Ngọc Quỳnh nhận định. 

Nghị quyết ‘cởi trói’ thể chế, cải cách để phát triển

Trong tọa đàm "Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68" mới đây, TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban IV, nhấn mạnh hai tư duy cốt lõi hình thành nên nghị quyết, đó là: "cởi trói" và "phát triển".

Kinh tế tư nhân trước cơ hội bứt phá từ Nghị quyết 68- cafetaichinh.vn

TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban IV - Ảnh: VGP/HT

Tư duy "cởi trói" được hiểu là tháo gỡ những rào cản kéo dài từ lâu như: Tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, hay cạnh tranh không lành mạnh giữa DN Nhà nước và tư nhân. Trong khi đó, tư duy "phát triển" hướng tới việc phân loại DN để có chính sách hỗ trợ sát thực tiễn hơn từ các tập đoàn dẫn dắt, DN tiên phong cho đến DN nhỏ.

Còn Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw cho rằng: Điểm nổi bật và rất tiến bộ trong Nghị quyết 68 chính là cách tiếp cận nhân văn khi xử lý vi phạm kinh tế. Thay vì hình sự hóa ngay từ đầu, DN có thể được xem xét xử lý hành chính hoặc tài chính nếu tích cực khắc phục hậu quả. Đây là thay đổi lớn, góp phần bảo vệ sự sống còn của nhiều DN và hàng nghìn lao động liên quan.

Hơn nữa, luật sư Hà cho rằng hệ thống pháp luật cần tiến thêm một bước: Đó là xác định rõ ràng hơn trách nhiệm giữa cá nhân và pháp nhân trong DN, thay vì chỉ xử lý doanh nhân cá thể mà bỏ qua trách nhiệm của tổ chức. Đồng thời, luật sư Nguyễn Thanh Hà đề xuất cải cách các thủ tục rút gọn để xử lý nợ đọng, một vấn đề đang khiến nhiều DN phải "tặc lưỡi bỏ qua" vì chi phí đòi nợ vượt quá khoản nợ.

Ngoài ra, khi DN bị nợ bởi chính các cơ quan nhà nước hay DN nhà nước thì việc khởi kiện trở nên vô cùng khó khăn vì có thể ảnh hưởng đến các hợp đồng đấu thầu sau này.

Kinh tế tư nhân trước cơ hội bứt phá từ Nghị quyết 68- cafetaichinh.vn

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Ảnh: VGP/HT

Một điểm sáng được luật sư Nguyễn Thanh Hà đánh giá cao là tác động cải cách từ Nghị quyết đã lan đến các cơ quan hành chính. Ông Nguyễn Thanh Hà dẫn ví dụ trường hợp của Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan này đã chủ động hợp tác với luật sư để cải tiến thủ tục, thay vì chỉ chờ văn bản chỉ đạo. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thể chế đang thực sự chuyển động.

Còn TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho rằng Nghị quyết 68 không chỉ nhắm đến tăng trưởng đơn thuần mà còn khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong tiến trình xây dựng mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa. Điều này là rất quan trọng để hướng đến các giá trị "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Có cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá cao Nghị quyết 68, coi đây là một dấu mốc thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí chiến lược.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần có hành động thực chất và đồng bộ để Nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống. Vị chuyên gia này đồng tình với quan điểm điều hành, đó là để theo kịp các nền kinh tế phát triển, Việt Nam cần hành động quyết liệt và có tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Kinh tế tư nhân trước cơ hội bứt phá từ Nghị quyết 68- cafetaichinh.vn

Luật sư Bùi Văn Thành - Ảnh: VGP/HT

Từ góc nhìn pháp lý và hội nhập, luật sư Bùi Văn Thành nhận định: Nghị quyết 68 đã đánh dấu một "trạng thái mới" của tư duy thể chế khi lần đầu tiên kinh tế tư nhân không chỉ được thừa nhận, mà còn được đặt làm trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước.

"Thể chế phải phục vụ phát triển, không phải là gánh nặng, DN cần được tự do trong khuôn khổ pháp luật, không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính rườm rà", ông Bùi Văn Thành nhấn mạnh.

Luật sư Bùi Văn Thành cũng đưa ra quan điểm đáng suy ngẫm, đó là, nếu Việt Nam muốn đạt mức thu nhập bình quân đầu người 18.000 USD vào năm 2045 thì nguồn lực quyết định sẽ không nằm ở tài nguyên hay vốn vay mà chính là trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam.

"Với DN, điều họ cần không chỉ là đất đai hay ưu đãi thuế, mà là sự tự do sáng tạo trong một khuôn khổ pháp lý minh bạch. Một DN công nghệ cao không đến Việt Nam vì chúng ta có khu công nghiệp công nghệ cao, mà vì hò được tự do nghiên cứu, phát triển", ông Bùi Văn Thành nói.

Theo Baochinhphu.vn

Nguồn tin bài: