Đưa 1 triệu tỷ đồng “vốn chết” quay lại nền kinh tế

23/04/2025 11:20

Quy mô nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Khó thu hồi nợ, các ngân hàng vừa không thể quay vòng vốn, vừa phải trả lãi cho người gửi tiền, vừa phải cắt một phần lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho “cục nợ” khổng lồ này.

Nợ xấu đang có xu hướng tăng lên, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và mặt bằng lãi suất. Ảnh: Đức Thanh

Ý thức trả nợ thụt lùi, nợ xấu gia tăng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch điều hành, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, trước khi thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42), ý thức trả nợ của khách hàng rất kém, không hợp tác, không bàn giao tài sản, nhiều khách hàng cố tình tạo ra tranh chấp để kéo dài thời gian trả nợ.

Tuy nhiên, khi Nghị quyết 42 ra đời, đặc biệt là chính sách cho phép ngân hàng quyền thu giữ tài sản đảm bảo, ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên rõ rệt. Cụ thể, nếu trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, khách hàng có ý thức tự trả nợ chỉ chiếm 20%, thì sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, con số này tăng lên 36%. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ý thức trả nợ của người dân lại kém đi.

“Riêng 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng lên 34.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ xấu lên 1,06 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng 833.000 tỷ đồng, nợ xấu bán cho VAMC là 99.000 tỷ đồng (giảm), nợ xấu tiềm ẩn rủi ro là 130.000 tỷ đồng, chưa kể 63.000 tỷ đồng được cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến nay đã hết hiệu lực”, ông Hùng lo lắng.

Nợ xấu phình to đang gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, hơn 1 triệu tỷ đồng này đang là “vốn chết”, không thể sử dụng. Không chỉ vốn tín dụng, mà cả tài sản thế chấp gắn với các khoản vay cũng không thể sử dụng, khai thác do vướng rủi ro pháp lý.

“Đây là con số rất lớn, gây lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn hiện nay. Đây không chỉ là vốn của riêng ngân hàng, mà còn là vốn của người dân, của nền kinh tế. Nợ xấu lớn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng, mà còn là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất của Việt Nam cao”, ông Bình nói.

Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Khu vực Nam sông Hồng (Ngân hàng Eximbank) cho hay, ngân hàng không muốn phải kê biên tài sản đảm bảo của khách hàng, mà chỉ mong khách hàng một khi ký hợp đồng tín dụng sẽ có ý thức hợp tác hơn trong quá trình trả nợ.

“Chính phủ rất mong muốn giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng, song đây là một nhiệm vụ rất thách thức đối với các ngân hàng, vì thực tế hiện nay có một lượng lớn nợ xấu tồn kho. Để giải quyết vấn đề nợ xấu, đa phần ngân hàng đang phải sử dụng giải pháp trích lập dự phòng rủi ro, song giải pháp này tác động ngay tới lợi nhuận, buộc ngân hàng phải tìm giải pháp gia tăng thu nhập từ việc huy động và cho vay với mặt bằng lãi suất có xu hướng đi lên”, ông Vương khẳng định.

Theo các chuyên gia, để giải phóng hơn 1 triệu tỷ đồng nằm trong nợ xấu và nợ tiềm ẩn, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, hạ lãi suất, cần có giải pháp để doanh nghiệp, người dân khi vay vốn phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, có vay có trả. Việc chây ỳ trả nợ không chỉ tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, mà còn làm “tắc” dòng vốn bơm ra nền kinh tế.

Luật hóa quyền thu giữ tài sản: Ngân hàng có lạm quyền?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng đã được Ủy ban Kinh tế và Tài chính thẩm tra sơ bộ; dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 23/4 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2025. Trong đó, nội dung được mong chờ nhất là sẽ luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng.

Trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng không có nghĩa là ngân hàng sẽ được thu giữ tài sản một cách vô điều kiện, mà phải có quy định rõ ràng về thời điểm nợ xấu, thái độ, trách nhiệm của bên vay và việc thu giữ phải có trình tự thủ tục rõ ràng - Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch điều hành, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Xuất phát từ thực tế ách tắc trong xử lý nợ xấu, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản cho tổ chức tín dụng được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành. Tuy vậy, vẫn còn lo ngại rằng, việc luật hóa có thể khiến ngân hàng “lạm quyền”.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế (Ngân hàng BIDV) cho hay, dù Nghị quyết 42 cho phép tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo, song bản thân ngân hàng cũng rất cân nhắc khi áp dụng biện pháp này. Trong 6 năm thực hiện Nghị quyết 42, BIDV chỉ thực hiện được 85 hồ sơ theo quy định trên.

“Việc áp dụng các biện pháp thu giữ tài sản đảm bảo không phải là cây gậy thần hay một đặc quyền đối với các tổ chức tín dụng. Dù Nghị quyết 42 cho phép, nhưng khi thực hiện các biện pháp mạnh như thu giữ, thì các tổ chức tín dụng cũng phải suy xét và cẩn trọng, đi kèm với các giao dịch trước đó cần hợp pháp và bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa lợi ích của các bên, chứ không thể lạm quyền. Đây chỉ được xem là liệu pháp tâm lý đối với khách hàng và là công cụ pháp lý để tránh bội tín hợp đồng và để khách hàng có trách nhiệm hơn về khoản vay của mình, có ý thức trả nợ”, bà Phương khẳng định.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, nguồn tiền ngân hàng cho vay là tiền huy động từ người dân, nên phải đảm bảo gốc, lãi cho ngân hàng. Do đó, việc thu hồi nợ không chỉ đảm bảo kết quả kinh doanh ngân hàng, mà còn để đảm bảo an toàn hệ thống.

Bà Trần Hồng Nguyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành quan điểm luật hóa một số điều của Nghị quyết 42 vào Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Theo bà Nguyên, quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi của ngân hàng, mà còn bảo vệ tiền gửi của người dân.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, dù luật hóa Nghị quyết 42 là cần thiết, song cũng cần “rào cho kín”. Theo đó, trao cho tổ chức tín dụng quyền thu giữ tài sản đảm bảo, song cũng phải quy định chặt chẽ về nguyên tắc, điều kiện ràng buộc để tránh lạm dụng. Quan trọng nhất là ngân hàng và người vay phải xây dựng được văn hóa cho vay, ngân hàng cho vay và giám sát sử dụng vốn vay đúng mục đích, khách hàng có thiện chí trả nợ, thì thu giữ tài sản đảm bảo sẽ không phải dùng đến