Chủ quán "bốc phét" bộ lòng xe điếu dài 40m có thể bị xử lý như thế nào?

09/05/2025 08:55

Nhiều vụ kinh doanh thực phẩm "bẩn" đã bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhưng vì lợi nhuận, không ít đối tượng vẫn bất chấp. Mới đây nhất là vụ quảng cáo sai sự thật về cỗ lòng xe điếu dài... 40m!

Loạt cơ sở lòng xe điếu đóng cửa sau khi bị kiểm tra đột xuất

Mới đây, món lòng xe điếu khoái khẩu của nhiều người, được xem là món ăn đắt đỏ lên đến vài triệu đồng/kg đang bị "tố" là hàng đầy chợ nhưng ở lò mổ rất hiếm mới thấy, nguy cơ có thể nhập lậu hoặc sử dụng chất gì đó để làm ra đang gây xôn xao dư luận.

Trưa 8/5, theo ghi nhận của PV Dân Việt, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy, Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở “Lòng chát quán” tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu sau vụ việc "khoe" cỗ lòng xe điếu dài 40m.

Chủ quán "bốc phét" bộ lòng xe điếu dài 40m có thể bị xử lý như thế nào?
Tại buổi làm việc có chủ cơ sở là ông Ngô Quyền Thế cùng nhiều nhân viên. Bước đầu, người này cho hay, cơ sở chuyên kinh doanh chế biến các món về lòng chứ không chỉ riêng món lòng xe điếu. Về bộ lòng dài 40m, ông Thế cho biết, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội Facebook và TikTok vào năm 2024. Ông Thế thừa nhận "nói hơi quá" và gửi lời xin lỗi mọi người.

Ông Thế thông tin thêm với đoàn kiểm tra về việc cơ sở này đặt bộ lòng xe điếu từ con lợn nái trên 200kg của một tiểu thương ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc bộ lòng mua từ một năm trước.

Chủ quán "bốc phét" bộ lòng xe điếu dài 40m có thể bị xử lý như thế nào?
Chủ cơ sở là ông Ngô Quyền Thế thường xuyên đăng ảnh, clip về những bộ lòng xe điếu thu hút nhiều người xem. Ảnh: FBNV

Hiện tại, cơ sở này chỉ xuất trình được hợp đồng nhập thực phẩm của cá nhân ở huyện Thường Tín. Cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ của cơ sở giết mổ cung cấp thực phẩm cho cá nhân ở huyện Thường Tín. Đến hơn 12h cùng ngày, đoàn kiểm tra rời khỏi cơ sở sau buổi làm việc. Cơ sở "Lòng chát quán" cũng ngừng đón khách và đóng cửa. Khi PV Dân Việt đặt câu hỏi dư luận đang quan tâm, ông Thế từ chối trả lời.

Trước đó, chiều 7/5, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đã tiến hành kiểm tra đột xuất lòng “chát” quán ở quận Tân Bình. Đây là động thái nằm trong chiến dịch kiểm tra diện rộng các cơ sở kinh doanh món ăn này, sau khi xuất hiện nhiều thông tin trên mạng xã hội về món ăn với hình thức, tên gọi lạ và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm an toàn thực phẩm.

Theo bà Lan, việc quảng cáo lòng xe điếu thời gian qua là hành vi gian lận thương mại trong chế biến, một thủ đoạn nhằm nâng giá một món ăn vốn hiếm và đắt đỏ.

Chủ quán "bốc phét" bộ lòng xe điếu dài 40m có thể bị xử lý như thế nào?
Lực lượng chức năng rời quán sau khi kiểm tra trưa ngày 8/5. Ảnh: Gia Khiêm

Bà Lan khẳng định, Sở đang tiến hành kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu để kiểm nghiệm, làm rõ liệu sản phẩm có sử dụng phụ gia hay chứa chất độc hại hay không. Kết quả kiểm tra sẽ được công bố sau.

Không chỉ vụ lòng xe điếu nói trên, thời gian gần đây, nhiều vụ kinh doanh thực phẩm "bẩn" đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, không ít đối tượng vẫn bất chấp, sẵn sàng hại cộng đồng.

Chủ quán lòng xe điếu "bốc phét" bộ lòng dài 40m có thể bị xử lý hành vi nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, Việt Nam vốn đa dạng về văn hóa và ẩm thực cũng là 1 nét đặc trưng để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn khá nhức nhối trong xã hội.

Nếu không kiểm soát được tình trạng thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì không những ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chủ quán "bốc phét" bộ lòng xe điếu dài 40m có thể bị xử lý như thế nào?
Bộ lòng xe điếu dài 40m được một chủ quán ghi hình lại. Ảnh: MXH

Theo luật sư Cường, vụ việc giới thiệu lòng xe điếu dài 40m gây xôn xao trong dư luận xã hội những ngày qua cho thấy hiện tượng quảng cáo sai sự thật thổi phồng giá trị, chất lượng sản phẩm trong kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp sau vụ kẹo rau củ Kera, sữa giả … Những người nổi tiếng trên mạng xã hội vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, quảng cáo sai sự thật để lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính, không quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng là điều rất đáng lên án và cần phải bị xử lý bằng những chế tài của pháp luật.

Luật sư Cường cho hay, hiện nay cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, bước đầu đã xác định hành vi quảng cáo là sai sự thật, không có lòng xe điếu nào dài đến 40m và cũng không có sẵn lòng xe điếu số lượng lớn như dư luận quảng cáo, đồn thổi thời gian qua.

Cơ sở kinh doanh chưa cung cấp được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm đang bày bán tại các cơ sở này, khi có kết quả thì sẽ có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Chủ quán "bốc phét" bộ lòng xe điếu dài 40m có thể bị xử lý như thế nào?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp. Ảnh: NVCC

“Cơ quan chức năng sẽ xem xét đến các hành vi là quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ trên các nền tảng số và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, về hóa đơn chứng từ các sản phẩm hàng hóa dịch vụ kinh doanh, trên cơ sở đó sẽ kết luận là có sai phạm hay không, nếu có thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo đó, nếu có hành vi vi phạm về quảng cáo, quảng cáo sai sự thật thì người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo với mức có thể tới 60 triệu đồng. Những hàng hóa sản phẩm không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa này và làm rõ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như có hóa chất độc hại, chất cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ tiến hành xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh có thể phạt tới 200 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu hành vi kinh doanh sản phẩm chứa hóa chất, độc hại, sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng thì phải bồi thường thiệt hại và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Điều đáng chú ý là thời gian qua liên tục phát hiện ra các hoạt động kinh doanh bất chấp, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, sản xuất hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo vệ sinh an toàn cho người sử dụng mà trong đó có sự tiếp tay của những người nổi tiếng trên mạng xã hội, gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội…. Hành vi còn có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính với số tiền lớn và gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng”, luật sư Cường nêu.

Chủ quán "bốc phét" bộ lòng xe điếu dài 40m có thể bị xử lý như thế nào?
Lòng xe điếu giá thành tiền triệu 1kg. Ảnh: MXH

Đặc biệt, đối với nội tạng là phế phẩm ở nhiều quốc gia, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng nhiều cơ sở kinh doanh lại nhập về Việt Nam để chế biến trở thành thực phẩm, món ăn khoái khẩu của 1 số người, tuy nhiên quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, rất đáng lo ngại cho sức khỏe của cộng đồng.

“Cơ quan chức năng cũng đã từng phát hiện bắt giữ những lô hàng nội tạng đang trong tình trạng phân hủy, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những thực phẩm ngâm hóa chất độc hại, thực phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài mà không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, không có nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên sau khi ngâm tẩm hóa chất, thổi phồng công dụng, có sự tham gia của những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm thì thu hút được rất nhiều người theo dõi, quan tâm và tiêu thụ với số lượng lớn là vấn đề rất đáng lo ngại trong cộng đồng”, luật sư Cường nêu cụ thể.

Điều đáng chú ý là những sản phẩm được mua với giá rẻ, nhập khẩu theo tiêu chuẩn là nhập rác thải nhưng sau khi phù phép, quảng cáo sai sự thật thì đã trở thành của hiếm, đặc sản để bán với giá cắt cổ, thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn trong xã hội, bất bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh và trục lợi từ sự nhẹ dạ cả tin của người tiêu dùng.

“Những sản phẩm này có thể không gây chết người khi sử dụng nhưng sử dụng lâu dần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là các hóa chất độc hại, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bởi vậy sau vụ việc này, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện ra các cơ sở kinh doanh không chân chính, thiếu đạo đức, vi phạm về an toàn thực phẩm để xem xét xử lý bằng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự mới có thể, đảm bảo công bằng trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, luật sư Cường nói thêm.

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, có một số loại hóa chất như oxy già (hydrogen peroxide) hoặc phèn chua sử dụng để làm sạch, tẩy trắng nội tạng động vật. Dù sau khi xử lý có được ngâm rửa lại, chúng vẫn có nguy cơ tồn dư hóa chất thấm vào thực phẩm.

Theo bác sĩ Thiệu khi tiêu thụ, các chất này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, như làm tổn thương niêm mạc dạ dày - ruột, dẫn đến viêm loét dạ dày, đại tràng, thậm chí là nguy cơ chảy máu tiêu hóa.

"Formol cũng là chất cực độc với gan, thận và hệ thần kinh, đã bị cấm sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Formol chủ yếu được dùng trong công nghiệp, như ướp xác hay bảo quản mẫu vật trong phòng thí nghiệm. Nội tạng động vật là thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa. Vì vậy, người dân cần hạn chế sử dụng, đặc biệt với người có các bệnh lý như: tăng huyết áp, tim mạch, gan nhiễm mỡ, gout, mỡ máu cao...", bác sĩ Thiệu khuyến cáo.