Lực đẩy từ EVFTA, DN Châu Âu đặt niềm tin đầu tư dài hạn ở Việt Nam

02/07/2025 11:17

Báo cáo mới nhất từ EuroCham cho thấy cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, với gần như toàn bộ doanh nghiệp đã biết và tận dụng Hiệp định EVFTA sau 5 năm có hiệu lực.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những biến động khó lường, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức tích cực.

Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2025 do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho thấy một bức tranh triển vọng: các doanh nghiệp châu Âu đang linh hoạt thích ứng, đồng thời không ngừng mở rộng sự hiện diện và khai thác hiệu quả các cơ hội từ thị trường Việt Nam.

Chỉ số BCI quý II đạt 61,1%, giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn nằm trong vùng tích cực. Sự sụt giảm nhẹ được cho là phản ánh ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị và những thách thức trong cải cách nội tại, song không làm suy giảm kỳ vọng dài hạn của doanh nghiệp.

Không chỉ đánh giá cao tiềm năng dài hạn của nền kinh tế, doanh nghiệp EU còn cho thấy sự chủ động trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA – vốn đang dần trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Lực đẩy từ EVFTA, DN Châu Âu đặt niềm tin đầu tư dài hạn ở Việt Nam
Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2025 do EuroCham thực hiện 

Niềm tin đầu tư bền vững vào thị trường Việt Nam

Ông Bruno Jaspaert – Chủ tịch EuroCham nhận định, các doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin vững chắc vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Khoảng 72% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng giới thiệu Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư quốc tế – một tỷ lệ ổn định qua nhiều kỳ khảo sát, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.

BCI quý II cũng nhấn mạnh khả năng thích ứng nhanh của khối doanh nghiệp châu Âu, dù phải điều chỉnh trong bối cảnh chi phí logistics leo thang và những thay đổi trong cấu trúc thương mại quốc tế. Việt Nam tiếp tục được xem là một trung tâm sản xuất tiềm năng và thị trường tiêu dùng đang mở rộng.

Một điểm nhấn quan trọng trong báo cáo lần này là mức độ nhận biết và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Theo khảo sát, có đến 98,2% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khẳng định đã biết đến hiệp định và gần một nửa trong số đó ghi nhận EVFTA mang lại lợi ích đáng kể cho hoạt động kinh doanh.

Tỷ lệ doanh nghiệp xác định ưu đãi thuế quan là điểm nổi bật nhất của EVFTA đã tăng mạnh từ 29% trong quý II/2024 lên 61% trong quý II/2025. Đây là dấu hiệu cho thấy tiến trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của EVFTA đang phát huy hiệu quả rõ nét, đồng thời doanh nghiệp đã quen thuộc và chủ động hơn trong việc tận dụng các điều khoản ưu đãi.

Sự khác biệt về mức độ thụ hưởng cũng phản ánh rõ giữa các nhóm doanh nghiệp. Các công ty lớn thường thu được lợi ích rõ ràng hơn trong xuất khẩu từ EU sang Việt Nam, nhờ nguồn lực mạnh và quy trình tuân thủ tốt hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại tỏ ra năng động trong việc tận dụng EVFTA để tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu Âu – một động lực giúp cân bằng cán cân thương mại hai chiều.

Lực đẩy từ EVFTA, DN Châu Âu đặt niềm tin đầu tư dài hạn ở Việt Nam
Tiềm năng còn nhiều nhưng cần gỡ “nút thắt” thực thi

Dù có nhiều tín hiệu khả quan, việc khai thác tối đa các cơ hội từ EVFTA vẫn gặp không ít trở ngại. Báo cáo chỉ ra rằng, một trong những rào cản nổi bật là vấn đề định giá hải quan – với 37% doanh nghiệp cho biết đây là vướng mắc chính khi áp dụng EVFTA. Những bất đồng trong cách phân loại hàng hóa giữa phía hải quan Việt Nam và EU thường dẫn đến kéo dài quy trình làm thủ tục, làm giảm hiệu quả thực thi ưu đãi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phản ánh sự thiếu nhất quán trong hướng dẫn, sự phức tạp của các quy trình giấy tờ, cũng như khoảng cách trong giao tiếp với các cơ quan chức năng tại địa phương – là những yếu tố đang làm giảm tốc độ hiện thực hóa lợi ích từ hiệp định.

Để giải quyết các vấn đề này, nhiều doanh nghiệp đề xuất các biện pháp cụ thể như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quy trình hải quan, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, mở rộng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và tăng cường minh bạch trong các quy định kỹ thuật.

Sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (từ tháng 8/2020), tổng kim ngạch thương mại EU – Việt Nam đã tăng 40%, theo số liệu từ Bộ Công Thương. Mặc dù chỉ khoảng 21% doanh nghiệp có thể định lượng lợi nhuận trực tiếp từ hiệp định, nhưng nhóm này ghi nhận mức tăng trung bình lên đến 8,7% lợi nhuận ròng – trong đó có những doanh nghiệp đạt con số tăng trưởng 25%.

Điều này cho thấy EVFTA không chỉ là một công cụ hội nhập đơn thuần, mà còn là bệ phóng giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng quy mô hoạt động, nếu biết tận dụng tốt và có sự đồng hành tích cực từ phía thể chế.

Nhìn về phía trước, EuroCham kêu gọi Việt Nam tiếp tục cải thiện tính nhất quán trong hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động đầu tư – thương mại, nhất là trong bối cảnh EVFTA bước sang giai đoạn “hái quả” từ năm thứ 5 trở đi.

EVFTA không chỉ là một hiệp định, mà còn là phép thử cho năng lực thực thi và sự phối hợp giữa các bên. Nếu thành công trong khai thác trọn vẹn tiềm năng, Việt Nam sẽ khẳng định vị trí là một đối tác chiến lược đáng tin cậy, đồng thời tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, bền vững và hội nhập sâu với thị trường toàn cầu.